Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Giải pháp ứng phó lũ quét, sạt lở đất ở miền Trung

Ngày 16/1, tại Hội An đã diễn ra Hội thảo “Thiên tai lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền Trung - nguyên nhân và giải pháp giảm thiểu” do Tổng hội Xây dựng Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì, cùng với sự phối hợp tổ chức của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, UBND tỉnh Quảng Ngãi. Hội thảo thu hút khoảng 200 chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, lãnh đạo các cơ quan Trung ương, các tỉnh/thành phố cũng như các tổ chức khoa học, xã hội...


Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho hay, những thước phim về tình hình sạt lở xảy ra tại Quảng Nam năm 2020 phần nào cho thấy sự khốc liệt của thiên tai. Nếu có dịp đến tận nơi, chứng kiến hiện trường, hiện trạng còn khủng khiếp hơn nhiều. Hội thảo lần này để các cơ quan nghiên cứu khoa học, cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương tập trung thảo luận tìm nguyên nhân và quan trọng là đề xuất giải pháp để ứng phó, khắc phục.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh phát biểu tại hội thảo.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã phân tích, trao đổi một cách toàn diện nguyên nhân gây ra những hiện tượng thiên tai kinh hoàng này. Cụ thể, từ các nghiên cứu được thảo luận cho thấy nguyên nhân gây ra hiện tượng lũ quét, sạt lở đất là tổ hợp của nhiều nhân tố vừa có tính nội tại bên trong vừa do khách quan bên ngoài. Nguyên nhân nội tại bao gồm độ dốc sườn, mức độ liên kết của đất đá, chiều dày lớp phong hóa, mức độ uốn nếp, phân cắt của địa hình.

“Đối với Quảng Nam cũng như các tỉnh khác ở khu vực miền Trung, địa hình dốc, hẹp và núi cao, năm nào cũng bị ảnh hưởng bởi lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền núi. Trong đó, năm 2020 khốc liệt nhất. Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết 88 về phát triển vùng đồng bào dân tộc miền núi, rất mong tại hội thảo này sẽ tập trung phân tích, mổ xẻ để làm rõ hơn các vấn đề liên quan đối với khu vực miền núi của miền Trung, cần có những giải pháp phù hợp nhất, thích ứng nhất đối với tình hình thiên tai và biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, đi sâu phân tích việc ứng dụng khoa học công nghệ để cảnh báo, dự báo sớm giúp công tác phòng chống thiên tai chủ động hơn, giảm thiểu thiệt hại hơn” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã phân tích, trao đổi một cách toàn diện nguyên nhân gây ra những hiện tượng thiên tai kinh hoàng này. Cụ thể, từ các nghiên cứu được thảo luận cho thấy nguyên nhân gây ra hiện tượng lũ quét, sạt lở đất là tổ hợp của nhiều nhân tố vừa có tính nội tại bên trong vừa do khách quan bên ngoài. Nguyên nhân nội tại bao gồm độ dốc sườn, mức độ liên kết của đất đá, chiều dày lớp phong hóa, mức độ uốn nếp, phân cắt của địa hình.

Nguyên nhân bên ngoài bao gồm diễn biến bất thường của thời tiết như thời gian mưa, cường độ mưa, mức độ bao phủ của thảm thực vật và các hoạt động xây dựng của con người trong khu vực như việc khai thác lưu vực, hoạt động chặt phá rừng, lấn chiếm hành lang thoát lũ, xây dựng các hồ chứa, cắt xẻ, san gạt sườn đồi, núi làm khu dân cư hay các công trình thiết yếu. Lũ quét, sạt lở đất sẽ xảy ra nếu các nguyên nhân nếu trên đồng thời xuất hiện, càng nhiều nguyên nhân xuất hiện thì lũ quét, sạt lỡ đất đến càng nhanh và phạm vi ảnh hưởng càng lớn. 

Đối với thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất thì nguyên nhân đến từ công tác quy hoạch lựa chọn đất xây dựng, đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khi xây dựng các công trình, năng lực cảnh báo và dự báo, khả năng phản ứng và nhận thức của cộng đồng trước thiên tai.

Nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, chính quyền các cấp đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp phi công trình và công trình. Các biện pháp phi công trình bao gồm nâng cao năng lực dự báo như phát triển hệ thống đo mưa tự động, xây dựng hệ thống cảnh báo lũ quét, sạt lở. Xây dựng bản đồ phân vùng nguy cơ xảy ra lũ quét sạt lở đất với tỷ lệ thích hợp (1/5000 với cấp huyện, 1/1000 -1/2000 với cấp xã) nhằm sắp xếp lại dân cư, di dời ngời dân trong vùng nguy cơ cao xảy ra thiên tai đến định cư ở nơi an toàn; quy hoạch phát triển dân sinh kinh tế xã hội và cơ sở hạ tầng.

Tăng cường đảm an toàn đập, hồ chứa nước trên địa bàn, đặc biệt đối với các hồ chứa nhỏ, hồ chứa đã xuống cấp; kiểm tra phương án bảo vệ dân cư vùng hạ lưu khi hồ chứa phải xả lũ khẩn cấp hoặc nguy cơ xảy ra sự cố vỡ đập. Kịp thời hỗ trợ thiệt hại và ổn định sản xuất cho người dân. Các biện pháp công trình bao gồm nhà chống lũ, kè, tường chắn, công trình thoát lũ, trồng rừng... Các giải pháp đưa ra khá đồng bộ, nhưng trong điều kiện nguồn lực hạn chế, thời tiết biến đổi bất thường, vẫn cần áp dụng những giải pháp cấp bách trước mắt, phù hợp với từng địa phương khu vực.

 Chuyên gia trình bày tham luận về giải pháp ứng phó thiên tai. 

Sau hội thảo, Tổng hội Xây dựng Việt Nam sẽ tiếp tục cùng với các địa phương từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi vận dụng các kết quả nghiên cứu trong hội thảo, triển khai công tác phòng chống mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất; hỗ trợ các địa phương điều chỉnh, lồng ghép nội dung phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển của các ngành, địa phương theo hướng kết hợp đa mục tiêu; hạn chế tối đa việc gia tăng rủi ro thiên tai, thích ứng với đặc điểm của từng vùng miền, nhất là vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Ngọc Hà