Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đoàn Kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai

Thực hiện chương trình công tác năm 2020, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT) thành lập Đoàn công tác kiểm tra và làm việc với TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu về công tác PCTT tại Công văn số 25/TWPCTT ngày 19/3/2020.


Sáng ngày 06/7/2020, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT do ông Võ Thành Thống – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư làm Trưởng đoàn, tham gia cùng đoàn công tác có đại diện của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo TW về PCTT (Vụ Pháp chế Thanh tra, Chi cục PCTT miền Nam), đại diện Cục Kiểm ngư - Tổng cục Thủy sản và Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ Kế hoạch Đầu tư.

Tiếp và làm việc với đoàn ông Nguyễn Xuân Hoàng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Phó Trưởng Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) cùng lãnh đạo các sở, ngành có liên quan của thành phố Hồ Chí Minh.

Đoàn đã đi kiểm tra thực địa một số công trình trọng điểm PCTT, thủy lợi trên địa bàn huyện Củ Chi (Cống sông Lu ngăn lũ, ngập lụt từ sông Sài Gòn do xả lũ Hồ Dầu Tiếng, Dự án Rạch Sơn và Rạch Cầu Đen, Cống điều tiết qua Kênh Đông, Hệ thống điều hành Scada tại Xí nghiệp Thủy nông Củ Chi).

Kiểm tra Cống sông Lu ngăn lũ từ sông Sài Gòn do xả lũ hồ Dầu Tiếng

 

Kiểm tra Dự án Rạch Sơn, Rạch Cầu Đen

 

Hệ thống Scada phục vụ chỉ đạo điều hành tại Xí nghiệp Thủy nông Củ Chi

Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thành phố  Hồ Chí MInh cho biết, công tác PCTT là nhiệm vụ vô cùng quan trọng và được thực hiện thường xuyên. Trong thời gian qua, địa phương đã được Chính phủ, các Bộ ngành liên quan cùng các Cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm và nhận được sự chung tay của các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trong việc triển khai thực hiện và nhận được nhiều kết quả tích cực, khả quan.

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp đã chủ động rà soát, điều chỉnh, cập nhật, bổ sung kế hoạch, phương án PCTT hàng năm phù hợp tình hình thực tế của địa phương, trong đó cấp thành phố, quận-huyện và cấp xã, phường, thị trấn đã có các kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai; hàng năm có rà soát điều chỉnh bổ sung phù hợp tình hình thực tế của địa phương.

Công tác đảm bảo an toàn dân cư và sản xuất được chú trọng; các công trình PCTT thường xuyên được kiểm định, kiểm tra. Công trình thủy lợi được đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp, nạo vét và mở rộng, phục vụ tiêu thoát nước trước mùa mưa, bão.

Ngoài ra, công tác 4 tại chỗ được chủ động thực hiện qua việc kiện toàn và phân công trách nhiệm cụ thể trong Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp; Rà soát, bổ sung và xây dựng mới các kế hoạch, phương án ứng phó với các loại hình thiên tai ứng với các cấp độ rủi ro thiên tai và các phương án ứng phó sự cố trên địa bàn, xây dựng lực lượng xung kích PCTT và xây dựng Nông thôn mới đảm bảo an toàn trước thiên tai theo tiêu chí 3.2, đào tạo tập huấn nâng cao năng lực PCTT cho cán bộ làm công tác PCTT, kỹ năng ứng phó cho lực lượng xung kích PCTT và quản lý rủi ro thiên tai (RRTT) dựa vào cộng đồng theo đề án 1002, việc huy động lương thực, thực phẩm trong các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến trên địa bàn thành phố bằng nguồn dự trữ sẵn có của các doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch, phương án dự trữ và cung ứng hàng hóa vật tư, nhu yếu phẩm để đáp ứng kịp thời nhu cầu trong trường hợp xảy ra thiên tai, nhất là các mặt hàng thiết yếu như: Lương thực (gạo, nếp); Thực phẩm chế biến (đường, sữa, bột ngọt, dầu ăn, nước chấm…); Thực phẩm tươi sống (thịt gia súc, gia cầm, trứng vịt, rau, củ, quả…); Nước uống và một số nhu yếu phẩm cần thiết khác.

Công tác xây dựng, củng cố lực lượng xung kích PCTT ở các xã, phường, thị trấn cũng được địa phương hết sức chú trọng. Đến nay, lực lượng xung kích PCTT có 6.000 người, lực lượng quản lý đê nhân dân 192 người. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN cấp xã chủ động phối hợp đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, diễn tập đội xung kích PCTT với tình huống giả định, tổ chức di dời dân ra khỏi vùng bị ảnh hưởng của thiên tai, chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây,... đáp ứng yêu cầu ứng phó ngay từ giờ đầu khi có thiên tai xảy ra.

Thực hiện nội dung tiêu chí 3.2 “bảo đảm đủ đáp ứng yêu cầu dân sinh và theo quy định về PCTT tại chỗ” trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các địa phương đã chủ động triển khai thực hiện bảo đảm đáp ứng yêu cầu tiêu chí. Đến nay, có 56/58 xã được công nhận hoàn thành nội dung tiêu chí 3.2 (02 xã không thực hiện là: Xã Bình Hưng - huyện Bình Chánh và Trung Chánh - huyện Hóc Môn đã đô thị hóa). Việc quy định xã nông thôn mới đảm bảo tiêu chí 3.2 giúp chính quyền địa phương chủ động hơn trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về thiên tai, xây dựng cộng đồng, khu dân cư an toàn trước thiên tai.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Xuân Hoàng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phó Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố đề nghị các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thành phố tiếp thu các ý kiến của Đoàn công tác để có những định hướng, giải pháp cụ thể trong thời gian tới.

Kết luận kiểm tra về công tác PCTT của thành phố Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Võ Thành Thống ghi nhận địa phương đã có nhiều nỗ lực đáng hoan nghênh trong công tác PCTT thời gian qua (Cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố và các địa phương; chuẩn bị tốt báo cáo phục vụ Đoàn kiểm tra đảm bảo yêu cầu và sát tình hình thực tế; Xây dựng được 5 phương án ứng phó với các loại hình thiên tai thường xảy ra trên địa bàn,…). Hiện nay, thời tiết thiên tai diễn biến phức tạp, cực đoan và khó lường, đề nghị thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục quan tâm, quán triệt thực hiện tốt Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. với 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó trọng tâm là đưa nội dung PCTT vào Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp; kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ huy; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu, lồng ghép nội dung PCTT vào quy hoạch, kế hoạch phát triển KTXH của địa phương. 

Đồng thời, đề nghị thành phố Hồ Chí Minh khắc phục các tồn tại trong thời gian qua. Rà soát lại toàn bộ hoạt động sản xuất và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội làm cơ sở để đề ra các giải pháp lâu dài, bền vững phù hợp với tình hình diễn biến phức tạp của thiên tai. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, cơ sở dữ liệu, công cụ hỗ trợ ra quyết định phục vụ tham mưu chỉ đạo ứng phó và thực hiện tốt chế độ báo cáo về Ban Chỉ đạo TW về PCTT; rà soát, cập nhật kế hoạch các phương án PCTT, đặc biệt là xây dựng kế hoạch PCTT cho giai đoạn 2021-2025. Tăng cường lắp đặt thiết bị theo dõi, giám sát, dự báo, cảnh báo như: Đo mưa, camera, biển cảnh báo sạt lở, giám sát ngập lụt và cảnh báo dông sét. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình xử lý ngập lụt đô thị. Tiếp tục tổ chức diễn tập ứng phó các loại hình thiên tai hay xảy ra trên địa bàn phù hợp với điền kiện thực tế của địa phương. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thông tin truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân.

Đối với các đề xuất của địa phương, Đoàn kiểm tra ghi nhận và sẽ báo cáo Ban Chỉ đạo TW về PCTT cùng các Bộ ngành liên quan để xem xét trong thời gian tới.

Tiếp theo lịch trình, Đoàn kiểm tra tiếp tục đi kiểm tra công tác PCTT tại tỉnh Bình Dương vào ngày 07/6/2020./.

Ngọc Hà