Skip Ribbon Commands
Skip to main content

CÁC NƯỚC GIÀU GIÁN TIẾP “PHÁ RỪNG TỪ XA” TẠI CÁC NƯỚC NGHÈO

Một nhóm các nhà khoa học Nhật Bản gần đây đã công bố trên tạp chí Nature một công trình nghiên cứu về ảnh hưởng của nhu cầu tiêu thụ tại các nước giàu đối với rừng và hệ sinh thái ở các nước nghèo.


Một nhóm các nhà khoa học Nhật Bản gần đây đã công bố trên tạp chí Nature một công trình nghiên cứu về ảnh hưởng của nhu cầu tiêu thụ tại các nước giàu đối với rừng và hệ sinh thái ở các nước nghèo. Theo đó, gia tăng tiêu dùng của nước giàu dẫn đến phá rừng và tàn phá hệ sinh thái ở các nước nghèo.
Từ năm 2000 đến 2015, nhu cầu ngày càng tăng đối với sô cô la, cao su, bông, đậu nành, thịt bò và gỗ quý tại các nước giàu hơn đã dẫn đến phá rừng để khai thác hoặc lấy đất trồng các nông sản đó ở các nước nghèo hơn.
Nhu cầu tiêu thụ ca cao ở Đức dẫn đến các khu rừng ở Bờ Biển Ngà và Ghana bị tàn phá, trong khi nạn phá rừng ở ven biển Tanzania là do người tiêu dùng Nhật Bản cần nhiều bông và vừng. Trung Quốc chịu trách nhiệm lớn nhất về nạn phá rừng ở 3 nước Đông Dương - đặc biệt là ở Bắc Lào để lấy gỗ và trồng cao su.
Trên thực tế, mỗi người dân ở các quốc gia G7 chịu trách nhiệm về việc mất ít nhất 4 cây rừng mỗi năm, và việc mất cây này chủ yếu là ở các nước đang phát triển.
 
 
Dữ liệu vệ tinh cho thấy từ năm 1985 đến 2018, 268 triệu hecta hệ sinh thái tự nhiên trên lục địa Nam Mỹ đã bị khai thác vì mục đích kinh tế. Đây là diện tích gần bằng Argentina, quốc gia rộng thứ 8 trên thế giới. Một ví dụ kinh điển là việc người Brazil phá rừng Amazon lấy đất nuôi bò để xuất khẩu thịt sang châu Âu, Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Trong khi thực hiện “phá rừng từ xa”, các nước phát triển lại hết sức hạn chế phá rừng ở nước mình để “bảo vệ môi trường”. 90% việc khai thác rừng để phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ tại 5 nước giàu nhất diễn ra ở ngoài biên giới của họ. Trong khi đó, yêu cầu về phát triển kinh tế sau đại dịch đang gây ra sức ép lớn đối với rừng và hệ sinh thái ở các nước nghèo.
Nguồn: climatenews
Vụ KHCN&HTQT tổng hợp