Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bản tin 9: Dự báo nguồn nước vùng ĐBSCL phục vụ chỉ đạo sản xuất và điều hành cấp nước mùa kiệt năm 2020-2021

Lưu vực sông Mê Công đang ở thời kỳ mùa khô năm 2020-2021. Ngày 6/1, Thông tin Trung Quốc giảm xả nước từ thủy điện xuống hạ lưu từ ngày 5/1/2021 đến ngày 24/1/2021 để bảo trì lưới điện, lưu lượng xả ra từ thủy điện Cảnh Hồng xuống hạ lưu sẽ giảm xuống còn khoảng 1.000 m³/s. Hiện đã 25/2/2021, nước xả ra từ thủy điện Cảnh Hồng vẫn duy trì ở mức 1.000 m³/s, vẫn thấp hơn so với trước đó. Hai yếu tố thượng lưu quan trọng đến diễn biến nguồn nước, xâm nhập mặn ở ĐBSCL là lượng trữ trong Biển Hồ (Tonle Sap) và dòng chảy đến Kratie (đầu châu thổ Mê Công) được cập nhật dưới đây. (Tuần từ 26/02-05/03/2021 và Cập nhật ảnh hưởng giảm xả nước từ Thủy điện Cảnh Hồng Tháng 1/2021)


  1. DIỄN BIẾN NGUỒN NƯỚC SÔNG MÊ CÔNG

1.1. Chế độ nước trong Biển Hồ (Tonle Sap)

Mực nước nhánh vào hồ Tonle Sap tại Prek Kdam (Hình 1), ngày 25/02 ở cao trình 1,05m. Dung tích hồ còn khoảng 1,98 tỷ m³, Biển Hồ ở giai đoạn xả nước, đóng góp dòng chảy từ biển hồ hàng ngày xuống hạ lưu là quan trọng.

Hình 1. Diễn biến nước trạm Prek Kdam - Biển hồ, cập nhật ngày 25/2/2021

1.2. Dòng chảy trên dòng chính sông Mê Công

Bảng 1: So sánh mực nước các trạm chính và dung tích hồ Tonle Sap



Ghi chú: (-) là thấp hơn

Hình 2 và Hình 3 cập nhật diễn biến mực nước đến ngày 25/02/2021 tại trạm Kratie và trạm Chiang Saen trên dòng chính sông Mê Công về đồng bằng:

Hình 2. Diễn biến mực nước (cao độ tương đối) tại Chiang Saen –Thái Lan, cập nhật 25/02/2021

Hình 3. Diễn biến mực nước về qua trạm Kratie, cập nhật ngày 25/02/2021

Bảng 2: So sánh mực nước lớn nhất cùng thời kỳ một số trạm trên đồng bằng

Sông Mê Công đang trong thời kỳ mùa khô 2020 - 2021. Tuần qua, dòng chảy thượng nguồn sông Mê Công có xu thế ổn định và tăng nhẹ, dòng chảy đầu nguồn sông Cửu Long có xu thế giảm theo triều, cụ thể:

  • Tại trạm Kratie: Mực nước trong tuần qua có xu thế tăng nhẹ khi đã tăng 0,14m so với tuần trước. Cụ thể, đến 7h ngày 25/02 mực nước tại Kratie đạt 7,08m, cao hơn 0,6m so với TBNN (6,48m), cao hơn 0,62m so với năm 2020 (6,46m), cao hơn 0,41m so với năm 2016 (6,67m).
  • Tại Biển Hồ: Dung tích Biển Hồ là 1,98 tỷ m3 , thấp hơn 1,74 tỷ m3 so với TBNN (3,72 tỷ m3 ), cao hơn 0,02 tỷ m3 so với năm 2020 (1,96 tỷ m3 ), cao hơn 0,1 tỷ m3 so với năm 2016 (1,88 tỷ m3 ).
  • Tại Tân Châu và Châu Đốc: Mực nước tại trạm Tân Châu và Châu Đốc tuần qua có xu thế giảm khoảng 0,09m và biển đổi theo triều. Mực nước lớn nhất ngày 25/02 tại trạm Tân Châu đạt 1,12m, thấp hơn 0,14m so với năm 2016 (1,26m), thấp hơn 0,03m so với năm 2020 (1,15m). Tại Châu Đốc đạt 1,29m, thấp hơn 0,11m so với năm 2016 (1,4m) và cao hơn 0,02m so với năm 2020 (1,27m).

2. DIỄN BIẾN NGUỒN NƯỚC TRÊN ĐỒNG BẰNG VÀ DỰ BÁO TIỀM NĂNG NGUỒN NƯỚC MÙA KHÔ 3 VÙNG SINH THÁI ĐBSCL

2.1. Diễn biến mưa trên đồng bằng

Tình hình mưa trên đồng bằng từ ngày 18/02 đến ngày 24/02: trong tuần mưa hầu như không xuất hiện trên đồng bằng. Mưa rất nhỏ xuất hiện tại Tân Trụ, Trà Cú, Thốt Nốt, An Ninh với lũy tích lượng mưa chỉ một vài mm.

Hình 4. Lũy tích lượng mưa một số vùng trên ĐBSCL, tuần từ 18/02 đến 24/02/2021

Dự báo trong tuần tới mưa nhỏ xuất hiện rải rác trên đồng bằng, lũy tích lượng mưa khoảng 10mm tập trung chủ yếu ở Bán Đảo Cà Mau và vùng giữa 2 sông. Cần tận dụng tích trữ nước mưa khi có thể và các thời điểm thuận lợi, đầu nước cao để bơm tát.

2.2. Diễn biến và dự báo nguồn nước trên các vùng đồng bằng sông Cửu Long trong tuần

Nguồn nước mùa khô năm 2020-2021 về vùng Đồng bằng sông Cửu Long xấp xỉ so với trung bình 10 năm gần đây. Lưu lượng bình quân tháng 01/2021 tương đương so với trung bình và có cao hơn so với năm kiệt 2015-2016 và 2019-2020, ảnh hưởng của việc giảm xả thủy điện Trung Quốc đợt thông báo được xem đã qua thời kỳ cao điểm, tuy nhiên giảm xả kéo dài vẫn sẽ ảnh hưởng mạnh trong những ngày cuối tháng 2 và đầu tháng 3. Chi tiết dự báo như bảng dưới.i.

Bảng 3: So sánh lưu lượng dự báo tại Kratie 2020-2021 với một số năm

Mùa kiệt năm 2021, lượng xả nước mùa khô 2020-2021 từ khu vực Trung Quốc xuống hạ lưu dự báo trên dưới 1000 m³/s. Mưa hạ lưu vực không đáng kể, dự báo dòng chảy về đồng bằng giảm, mặn có xu hướng tăng dần trong tháng 1 và các tháng đầu mùa khô. Dưới đây là dự báo nguồn nước cho 3 vùng Đồng bằng sông Cửu Long:

  • Vùng thượng ĐBSCL, bao gồm phần đất tỉnh An Giang, Đồng Tháp, thượng nguồn Long An, Kiên Giang và TP. Cần Thơ, nguồn nước hiện thuận lợi cho sản xuất, tận dụng thời điểm lấy nước ở các vị trí xa kênh trục.
  • Vùng giữa ĐBSCL, bao gồm phần đất thuộc TP. Cần Thơ, tỉnh Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, tỉnh Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre: mặn xuất hiện sớm đã ảnh hưởng đến các cửa lấy nước vào các kỳ triều cường, cần chủ động tích và kiểm tra chất lượng nước khi lấy nước.
  • Vùng ven biển ĐBSCL: bao gồm ven biển các tỉnh ven biển ĐBSCL (Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và tỉnh Kiên Giang): dự báo 2021 là năm mặn hạn cao, chủ động các biện pháp tích trữ nước ngay khi có thể, khi mặn rút ở các kỳ triều kém. Chủ động các biện pháp tích trữ nước bảo vệ các vườn cây trái và nước sinh hoạt.

2.3. Dự báo ảnh hưởng của giảm xả nước từ 5- 24/1/2021 từ Thủy điện Trung Quốc

Việc giảm xả nước từ thủy điện Trung Quốc theo thông báo ở giai đoạn từ 5- 24/1/2021 xuống còn khoảng 1000 m³/s và hiện vẫn xả thấp được xem là kịch bản đã được lường trước. Ảnh hưởng của việc giảm xả từ thủy điện Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến ĐBSCL vào cuối tháng 1 và tháng 2, từ 25/1/2021 các ảnh hưởng đến biên giới và dự báo hết ảnh hưởng ra đến biển ở đợt giảm xả đến cuối tháng 2 sang đầu tháng 3. Hiện bước vào thời kỳ ảnh hưởng cao điểm cuối tháng 2 do xả thấp kéo dài kết hợp triều cường, mặn cao nhất cuối tuần này (25-28/02/2021), sang tuần xu thế giảm và tăng trở lại vào kỳ 12-15/3/2021, mặn 4g/l có thể xâm nhập vào sâu trên dòng chính, các cửa sông Cửu Long 48-70km, 75-90km trên sông Vàm Cỏ và 50-55km trên song Cái Lớn. Trong tuần không xuất hiện mưa nên nguồn nước hoàn toàn phụ thuộc vào đầu nguồn, đề phòng gió Chướng mạnh có thể làm tăng mặn đột ngột trên các cửa sông Cửu Long.

3. KHUYẾN NGHỊ SẢN XUẤT VÀ QUẢN LÝ NƯỚC MÙA KIỆT 2021

Dự báo tiềm năng nguồn nước mùa khô năm 2020-2021, nước về thấp ngay từ đầu mùa khô và mặn bất thường có thể xảy ra sớm ngay từ các tháng đầu mùa khô, và kéo dài tới tháng 5, có thể còn xảy ra những biến động bất thường ở bất cứ thời điểm nào theo vận hành thủy điện và các thời tiết cực đoan, triều cường, gió Chướng. Vì vậy, các địa phương chủ động các giải pháp ứng phó, phòng chống hạn mặn nặng ngay từ bây giờ. Dưới đây là một số khuyến cáo cho từng vùng:

  • Vùng thượng ĐBSCL: nguồn nước đảm bảo cho sản xuất, chủ động sản xuất sớm vụ đông xuân nhằm giảm sử dụng nước các tháng kiệt. Tăng cường các giải pháp cấp nước cho các vùng núi cao thuộc Tri Tôn, Tịnh Biên đề phòng hạn ở các vùng này.
  • Vùng giữa ĐBSCL: đề phòng ảnh hưởng mặn xâm nhập cao trong năm này, chủ động giảm diện tích vụ Đông xuân các vùng đã bị ảnh hưởng ở năm 2020. Tăng cường các giải pháp bảo vệ nguồn nước, tích trữ nước và bơm hút khi cần. Khi lấy ngọt hoặc tưới cho cây trồng cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn, nhất là đối với cây ăn quả. Trong các kỳ triều kém ở Tháng 2 các địa phương chủ động tích nước ngay khi có thể để ứng phó với việc giảm xả thủy điện từ Trung Quốc ảnh hưởng ở Tháng 2.
  • Vùng ven biển ĐBSCL: nguồn nước ngọt có nguy cơ bị thiếu hụt cao giữa mùa khô, xâm nhập mặn dự báo tại các cửa sông Cửu Long cao trong tháng 2, duy trì cao trong tháng 3, giảm dần ở tháng 6. Chủ động các giải pháp bơm trữ nước và cấp nước sinh hoạt. Kiểm soát chặt chẽ các cống kiểm soát mặn và tích trữ nước phục vụ sản xuất giảm thiểu thiệt hại mặn lên cao ở tháng 2..

4. KẾT LUẬN - KIẾN NGHỊ

Dự báo nguồn nước mùa kiệt 2020-2021 về đồng bằng thấp, khả năng hạn mặn lịch sử đã được dự báo từ sớm. Việc giảm xả thủy điện Trung Quốc với thời gian kéo dài trong Tháng 1 đến nay sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn nước, mặn lên cao vào cuối tuần này (25-28/02/2021). Do ảnh hưởng mưa trái mùa, nhiệt độ thấp đã góp phần giảm hạn mặn năm nay, dự báo từ cuối tháng 3 nước điều tiết gia tăng từ thuỷ điện sẽ làm giảm xâm nhập mặn. Các địa phương chủ động các biện pháp phòng chống hạn mặn từ bây giờ: Vận hành hệ thống công trình hợp lý, tăng cường khả năng lấy nước ngay khi có thể, hạn chế tiêu thoát, đảm bảo tích trữ nước trước khi các ảnh hưởng gia tăng từ thượng nguồn về.. Đồng thời tăng cường công tác giám sát mặn, cập nhật các bản tin dự báo thường xuyên để điều chỉnh kế hoạch phù hợp với các diễn biến nguồn nước. Các địa phương tiếp tục theo dõi thông tin cập nhật để điều hành sản xuất.

DOWNLOAD FULL BẢN TIN DỰ BÁO TẠI ĐÂY

Ghi chú:

  • Việc dự báo nguồn nước mùa khô đang được thực hiện tại Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam theo sự phân công của Bộ. Bản tin dự báo sẽ được tiếp tục cập nhật các tuần kế tiếp và được đăng trên Website: http://www.siwrr.org.vn
  • Ngoài ra để phục vụ kịp thời cho sản xuất, kính đề nghị các địa phương có các thông tin về tình hình xâm nhập mặn, nguồn nước, sản xuất hoặc có yêu cầu khác xin gửi về Viện theo email: vkhtlmn@gmail.com; htqt.siwrr16@gmail.com và tncnbvmt@gmail.com./.

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam